Hệ thống thông tin quản lý hay tiếng anh là MIS – Management Information System là một ngành có thể nói là khá hot bây giờ. Bằng chứng là vài năm gần đây thì mức tăng điểm của MIS khá nhanh so với bình quân.
Bài viết này mình sẽ giới thiệu tổng quan về ngành cũng như đưa ra những điều mà một người nên cân nhắc trước khi quyết định dành 4 hoặc 5 năm ở đại học cho chuyên ngành này.
Điểm chuẩn NEU 2021
Nội dung bài viết hướng tới việc định hướng cho các bạn đang muốn chọn chuyên ngành này. Do đó, mình xin phép xưng hô bạn – mình và mặc định bạn là một người đang quan tâm tới ngành Hệ thống thông tin quản lý.
Mình là ai?
Hiện tại mình đang là sinh viên năm 4 chuyên ngành Hệ thống thông tin quản lý của trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Cho tới thời điểm này, mình đã hoàn thành hầu hết chương trình học của ngành và đang có một công việc full-time với vị trí Business Analyst – công việc lý tưởng được định hướng cho sinh viên ngành MIS.
Gặp gỡ thầy cô hồi năm nhất
Trải nghiệm học mình có, kiến thức về việc làm liên quan tới MIS mình cũng có vậy nên mình tin chắc rằng nội dung bài viết xứng đáng với thời gian bạn bỏ ra. Tuy nhiên, dù sao đi nữa, đây cũng là các ý tưởng cá nhân, vậy nên hãy chỉ coi đây là một nguồn tham khảo. Mình khuyến khích bạn đọc và chọn lọc những gì phù hợp với bản thân để có thể ra quyết định một cách tốt nhất.
Ngành Hệ thống thông tin quản lý?
Mình không nghĩ có ngành nào khác phù hợp với bản thân hơn là Hệ thống thông tin quản lý. Tuy nhiên, mình phải thú nhận rằng MIS là một ngành khó học và đòi hỏi người học phải tự chủ nhiều – điều mà ít sinh viên có.
Chương trình học
Khi nói về chương trình học ngành MIS, nhiều người hay hiểu đơn giản là 50% IT (Công nghệ thông tin) và 50% Kinh tế. Như vậy cũng không hẳn là sai, thực tế thì con số nó sẽ khác với 50-50 nhưng nhìn chung thì hầu hết chương trình học ngành MIS ở các trường sẽ bao gồm kiến thức về IT, Kinh tế cơ bản, Quản trị và Nghiệp vụ. Và tuỳ đặc thù từng trường thì sẽ học thêm những chương trình khác nhau.
Bạn có thể tham khảo chương trình học MIS của các trường đại học ở đây:
- Đại học Kinh tế Quốc dân (2021): Click me
- Đại học Bách khoa Hà Nội: Click me
- Đại học Thương mại: Click me
Hiểu đơn giản là học MIS sẽ là học thiên về chiều ngang hơn là chiều sâu. Mặc dù có cơ hội được học về nhiều khía cạnh nhưng vì học nhiều thứ nên chương trình học thường sẽ không thể giúp bạn có thể hiểu sâu về một khía cạnh nào.
Việc làm
Như mình đã nói ở trên, việc làm đặc trưng và lý tưởng cho sinh viên MIS là BA – Business Analyst. Không có một định nghĩa chính xác nào cho BA vì tuỳ vào mỗi công ty mà vai trò của một BA sẽ khác nhau. Tuy vậy, không phải BA không có những đặc thù riêng.
Business Analyst được chia làm 2 hướng là IT BA và Non-IT BA.
Về IT BA, đây chính là nghề mà đa số sinh viên MIS hướng tới. IT BA thường làm ở các công ty phần mềm với vai trò người đứng giữa và là người kết nối các bên với nhau. Ví dụ, rất khó để một khách hàng (giả sử không biết về IT) có thể giao tiếp với Dev (Lập trình viên) về các vấn đề mình gặp phải. Trong trường hợp này, IT BA sẽ là người đứng giữa khách hàng và Devs để giúp hai bên hiểu nhau và giải quyết vấn đề. Một IT BA đòi hỏi những kiến thức về IT, nghiệp vụ và khả năng giao tiếp.
Bạn có thể tham khảo một số thông tin tuyển dụng IT BA ở đây:
Về Non-IT BA, như cái tên thì thường một Non-IT BA không đòi hỏi có nhiều kiến thức về IT. Tuy nhiên, ở vai trò này, kiến thức về nghiệp vụ hoặc một khía cạnh khác (không phải IT) sẽ được đặt nặng hơn. Ví dụ một công ty muốn làm phần mềm Kế toán, lúc này công ty sẽ cần một Non-IT BA hiểu sâu về nghiệp vụ kế toán để có thể triển khai nghiệp vụ này trong phần mềm một cách đúng đắn.
Một số thông tin về việc làm Non-IT BA:
Ngoài BA, sinh viên MIS vẫn có thể làm các vị trí như Dev, Tester – Kiểm thử viên, Data Analyst – Chuyên viên phân tích dữ liệu, Database Administrator – Quản trị dữ liệu,… Tuy nhiên, học MIS để làm những công việc này mình cho rằng không phải một lựa chọn tối ưu.
Trong bài viết, từ đây trở đi, khi mình đề cập tới BA là đang ám chỉ tới IT BA. Mặc dù để nói về vai trò của BA thì còn rất nhiều nhưng khi bạn chỉ mới tìm hiểu thì mình tin rằng những kiến thức bên trên là đủ để cho bạn có những hiểu biết nhất định về đầu ra của MIS.
Học Hệ thống thông tin quản lý có gì hay?
Học rộng
Cái được dễ thấy nhất có lẽ là việc có được cơ hội hiểu biết nhiều lĩnh vực hơn là một. Như mình đã đề cập ở trên, khi học MIS, bạn sẽ được học kiến thức không chỉ về IT mà còn về Kinh tế, Nghiệp vụ và Quản trị. Việc có kiến thức rộng sẽ giúp bạn rất nhiều trong sự nghiệp tương lai.
Nhiều hướng đi
Tiếp theo phải kể đến rằng có đa dạng các ngành nghề mà sinh viên MIS có thể chọn khi ra trường. Ngoài BA, trong số đó có thể kể đến như Dev, Tester, Data Analyst, UI/UX Desinger,…. Đó là một số nghề đặc thù mà sinh viên MIS có thể chọn để theo đuổi.
Chương trình học khá nhẹ nhàng
Cuối cùng, việc học tương đối nhẹ nhàng cũng là một ưu điểm của ngành MIS. Quan điểm này có vẻ hơi cá nhân chút nhưng trong quá trình học và so sánh với ngành khác thì mình thấy vậy. Lấy ví dụ như so với sinh viên IT thì sinh viên MIS không cần code nhiều mà chỉ cần tập trung vào tổng quát hơn là đi sâu vào khía cạnh kỹ thuật.
Còn cái không hay thì sao?
Kiến thức không sâu
Đầu tiên, học MIS không giúp bạn hiểu sâu về các lĩnh vực mà bạn được học ở trường. Thật vậy, như mình đã đề cập ở trên, kiến thức bạn học được sẽ thiên về chiều ngang hơn là chiều sâu. Như các cụ đã nói, “một nghề chín còn hơn chín nghề”, do vậy có thể nói đây là một điểm yếu chí mạng của ngành Hệ thống thông tin quản lý.
Cạnh tranh việc làm
Tiếp theo là vấn đề về cạnh tranh đầu ra. Mặc dù có nhiều hướng đi cho sinh viên MIS lựa chọn khi ra trường nhưng năng lực cạnh tranh lại không cao, kể cả nghề đặc thù BA.
Với vị trí Business Analyst, người tuyển dụng thường yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm và kiến thức nhất định. Thực ra cũng dễ hiểu, ở trên mình cũng đã đề cập BA như là người đứng giữa Devs và khách hàng. Mà để có thể hiểu được Devs thì cũng phải cần thời gian và kiến thức chuyên môn về kỹ thuật.
Bên cạnh đó, BA là một nghề mà được rất nhiều người trái ngành chuyển hướng sang. Hầu hết, khi chuyển hướng như vậy thì họ cũng có lượng kiến thức nhất định rồi. So với họ thì sinh viên MIS mới ra trường khó có thể cạnh tranh được. Thực tế, ở công ty mình làm có duy nhất mình là BA học ngành có liên quan tới IT, còn lại là trái ngành nhưng các anh chị đều rất giỏi.
Đó là về BA, còn về vai trò khác như Dev, Tester hay các nghề tương tự liên quan tới IT khác thì mình thấy học Công nghệ thông tin sẽ hiệu quả hơn là Hệ thống thông tin quản lý. Non-IT BA thì yêu cầu cao về kiến thức nghiệp vụ – điều mà sinh viên học MIS ít có được.
Bạn có hợp với Hệ thống thông tin quản lý?
Để nói được một cách chính xác xem một người có hợp hay không hợp với MIS thì rất khó. Nhưng nếu bạn có những tố chất này thì hãy cho MIS một chỗ vào danh sách nguyện vọng của mình.
Khả năng tự định hướng cho bản thân
Điều này là quan trọng bởi vì khi có nhiều hướng đi như vậy, bạn phải tự quyết định xem nên rẽ vào hướng nào. Để có thể quyết định thì bạn cũng phải hiểu về định hướng và hiểu về chính con người của bạn. Nói chung, đây là một chuyện khó vì đôi khi bạn cũng chưa hiểu rõ bản thân như bạn nghĩ.
Khả năng tự học
Tự tìm tòi và học là một trong những tố chất quan trọng không chỉ sinh viên MIS mà ai cũng cần phải có. Đặc biệt là trong thời đại thông tin như ngày này. Tuy nhiên, đối với MIS thì điều này có vẻ quan trọng hơn. Như mình đã nói, ngành Hệ thống thông tin quản lý giúp bạn hiểu về chiều rộng hơn là chiều sâu. Do đó, một sinh viên MIS nên có khả năng tự học và tìm kiếm thêm những kiến thức để có những hiểu biết sâu hơn về những kiến thức mình biết.
Thích Công nghệ thông tin
Chương trình học của MIS sẽ gồm nhiều môn liên quan tới IT. Do vậy, nếu bạn thích tìm hiểu những thứ liên quan tới IT và có sử dụng nhiều các phần mềm, web, dịch vụ trên mạng thì mình tin rằng đó sẽ là một lợi thế lớn cho bạn khi theo học Hệ thống thông tin quản lý.
Kết
Về ý tưởng, Hệ thống thông tin quản lý là một ngành hay. Tuy nhiên nó có thực sự hay hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chủ động của người học cũng như sự tâm huyết của người dạy. Mình hi vọng những thông tin mình đề cập ở trên có thể cung cấp cho bạn những kiến thức nhất định trong việc chọn ngành của mình.
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm các thông tin về ngành Hệ thống thông tin quản lý thì có thể tham khảo một số nơi sau:
Cảm ơn bạn đã đọc bài, chúc bạn chọn được hướng đi của mình.
0 Comments