Bài viết này cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan về ngành Hệ thống thông tin quản lý, bao gồm chương trình học và cơ hội việc làm trên thị trường lao động. Ngoài ra, bài viết cũng đánh giá các ưu điểm và nhược điểm của ngành này và đưa ra các hướng dẫn để học và làm việc trong lĩnh vực Hệ thống một cách hiệu quả.
Mình là ai?
Mình tên thật là Hoàng. Nhiều người hay gọi mình bằng một số cái tên khác như Manaki (tên chơi game), Tiểu Hoàng (tên ở công ty), Mankaistep (tên giang hồ),… Nhưng nhìn chung, mình là Hoàng.
Hiện tại, mình đã tốt nghiệp chuyên ngành Hệ thống thông tin quản lý của trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) với bằng loại giỏi. Công việc hiện tại của mình là vị trí Product Business Analyst tại BSS Group.
Ở mankaistep.com, mình cũng đã có một số bài viết xoay quanh ngành Hệ thống thông tin quản lý. Bạn có thể tham khảo thêm sau khi đọc xong bài này, mình sẽ để liên kết ở cuối bài.
Nếu bạn đang hoặc dự định học Hệ thống thông tin quản lý hoặc đơn giản là muốn tìm hiểu về ngành này, bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin hữu ích. Dựa trên kinh nghiệm học tập tại NEU và gần một năm làm việc, mình tin rằng những chia sẻ trong bài viết này sẽ là nguồn tham khảo tin cậy và hữu ích cho bạn.
Rồi Hệ thống thông tin quản lý có gì hay? gì dở?
Học IT nhưng không cần code
Nói đúng tim đen luôn chứ gì? Nếu bạn đang tìm hiểu về ngành này thì đây chắc chắn là điều bạn tìm kiếm ở bài viết này đúng không?
Cũng chuẩn đấy, học Hệ thống thì bạn sẽ được trang bị một lượng kha khá kiến thức liên quan đến IT và bạn cũng không yêu cầu bạn code nhiều trong quá trình học. Nhưng từ từ, đừng sướng vội, điều này lại không hay ho như bạn nghĩ. Mình sẽ làm rõ hơn ở dưới.
Vừa biết kinh tế, vừa biết công nghệ
Chương trình học ngành Hệ thống thường chia làm 2 mảng chính: Công nghệ và Kinh tế. Tương truyền rằng, ở trong thời đại này, kẻ nào vừa có kiến thức về IT vừa có kiến thức về kinh doanh, kinh tế thì sẽ nắm trong tay thiên hạ. Giờ doanh nhân công nghệ (tech entrepreneur) mọc lên như nấm, ai cũng đều giàu sụ.
Tuy nhiên, các cụ đã nói:
Một nghề chín còn hơn chín nghề
Các cụ có câu
Học Hệ thống cho bạn biết về hai mảng kiến thức. Tuy nhiên vì phải học cả hai nên kiến thức về kinh tế cũng như công nghệ bạn được học sẽ rất nông, không được sâu như sinh viên chỉ học Kinh tế hoặc chỉ học Công nghệ.
Khi không hiểu rõ bản chất những thứ mình học thì người học rất dễ quên đi kiến thức. Một điều thường thấy ở sinh viên Hệ thống là:
Biết mỗi thứ một tý, hay nhìn chung thì là chả biết gì
Nghe hơi cay nhưng mà thật
Cạnh tranh việc làm
Nghề lý tưởng mà mọi sinh viên học Hệ thống hướng tới khi ra trường là Business Analyst (BA) – Phân tích Nghiệp vụ. Để dễ thì mình sẽ lấy công việc này để phân tích.
Là một sinh viên Hệ thống, khi ra trường bạn sẽ có gì?
- Chút hiểu biết về IT. Kiểu kiểu làm phần mềm thì dùng C#, trang web thì có html, css và javascript.
- Cách vẽ sơ đồ này, sơ đồ kia.
- Cơ bản về kinh tế, kinh doanh.
- (Ngoài ra tuỳ vào chương trình học bạn sẽ có thêm kiến thức khác, nhưng thường là 3 ý trên)
Về kiến thức kinh tế kinh doanh, gần như chả ai thèm quan tâm tới khi tuyển dụng BA vì nó khó đo lường cũng như giá trị không cao cho vị trí này. Nếu có thì kiến thức của bạn cũng không thể so sánh được sinh viên Kinh tế hoặc người đi làm về Kinh tế nhảy việc sang BA.
Về kiến thức IT, sinh viên Công nghệ ăn đứt bạn. Đối với người không biết về công nghệ thì đi học một khoá về IT BA hoặc Coding thì cũng nắm được chắc hơn và hiểu sâu hơn bạn.
Cuối cùng, về các kiến thức liên quan nghiệp vụ BA như vẽ sơ đồ hay viết văn bản thì đều có thể có chỉ qua một khoá học Business Analyst.
Nhìn chung, nếu không tích cực bổ sung kiến thức mà chỉ học thụ động thì sinh viên Hệ thống sẽ rất khó để cạnh tranh trên thị trường lao động.
Điều này là thực tế, ở công ty, mình có cơ hội được tham gia tuyển dụng, hỗ trợ Quản lý phỏng vấn các ứng viên cho vị trí Business Analyst và UI/UX Designer nên cũng có góc nhìn nhất định về thị trường tuyển dụng. BA là một job hot nên rất nhiều người muốn chuyển sang, và họ cũng biết là cạnh tranh cao nên họ cũng chịu khó đầu tư cho kiến thức của mình. Một mô típ thường thấy của ứng viên BA là:
- Học Kinh tế
- Làm Sales, Marketing, Chăm sóc khách hàng,… tầm 1-2 năm
- Học một khoá offline về BA tầm vài tháng rồi ứng tuyển Intern/Fresher
Mặc dù không học Hệ thống hoặc IT nhưng cũng có nhiều người rất giỏi. Minh chứng dễ thấy nhất là, công ty mình là công ty công nghệ nhưng 100% Quản lý bộ phận là dân trái ngành chuyển sang. Với vị trí Business Analyst thì chỉ duy nhất có mình là học ngành liên quan tới IT.
Chốt lại, dở hay hay? hay hay dở?
Dở.
Một là học IT, hai là học Kinh tế (đừng học Quản trị kinh doanh). Không nên học Hệ thống thông tin quản lý. Đây là chia sẻ thật sự của mình – người đã học 4 năm chuyên ngành này và cũng từng rất yêu thích ngành.
Tuy nhiên thì bạn cũng có thể thấy profile hiện tại của mình khá là sáng sủa và mình lại học Hệ thống thông tin quản lý, sao lại như vậy?
Mình là ngoại lệ, có thể bạn cũng vậy, hoặc không
Khác với sinh viên thông thường, mình đã có kiến thức về Coding từ hồi cấp 3. Không chỉ là các thuật toán để tham gia thi tin học mà còn là Lập trình hướng đối tượng, Java, C#, Unity,… Mình cũng có một business nhỏ trong đó mình được thực hành coding và có networking với nhiều developer khác, việc phát triển business được tiếp tục đến khi mình hết năm 3.
Bên cạnh đó, mình cũng học một khoá về full-stack Java đầu năm 3 nữa. Vậy nên công bằng mà nói, tại thời điểm đó thì kiến thức IT của mình có thể nói là ngang ngửa so với sinh viên IT (hoặc hơn).
Do đó khi ứng tuyển, mình nhận được feedback khá tốt từ nhà tuyển dụng. Và khi đảm nhận vị trí Business Analyst, mình phát triển rất nhanh nhờ có base IT chắc.
Lớp 12 mình cũng xác định luôn Business Analyst là công việc phù hợp với tính cách con người mình. Mặc dù điểm đại học của mình có thể cho mình cơ hội học các ngành hot hơn, điểm cao hơn nhưng mình vẫn chọn Hệ thống. Bên cạnh đó mình cũng hiểu rõ để làm được BA mình cần học gì, làm gì trong quá trình học.
Tóm lại, mình ngoại lệ vì mình có kiến thức, hiểu mình và hiểu ngành từ trước khi bước chân vào đại học. Nếu bạn cũng vậy thì Hệ thống thông tin quản lý sẽ là lựa chọn phù hợp cho bạn.
Lỡ rồi thì làm sao?
Nếu bạn chuẩn bị vào đại học
Suy nghĩ kỹ có nên học Hệ thống thông tin quản lý hay không.
Sau khi quyết định thì hãy cố gắng ôn tập thật tốt để có kết quả thi đại học như mong muốn của mình. Khi đỗ ngành Hệ thống, hãy xác định tâm lý học IT, đừng sợ. Khi bạn hiểu được bản IT thì sẽ thấy nó rất hay và bạn sẽ có được một góc nhìn mới về thế giới cũng như cuộc sống.
Nếu bạn đang học năm nhất
Tìm hiểu về định hướng và lên kế hoạch học tập, hoạt động.
Hãy dành thời gian để tìm hiểu về những công việc đầu ra của ngành Hệ thống và lựa chọn một số hướng đi cho mình. Mỗi định hướng sẽ yêu cầu kiến thức và kỹ năng khác nhau, tuỳ vào lựa chọn của bạn mà định hướng học gì, làm gì trong thời gian tiếp theo sao cho phù hợp.
Một số định hướng ngắn hạn và dài hạn bạn có thể tham khảo:
- Business Analyst
- Tester
- Product Owner (Hơi giống BA nhưng khó hơn, nhiều trách nhiệm hơn)
- Product Manager
- Project Manager
Việc định hướng sẽ giúp việc học trở nên ý nghĩa hơn. Thay vì học để qua môn, học để lấy điểm thì bạn sẽ biết được mục đích và ý nghĩa của từng môn học, từ đó bạn sẽ có cảm thấy hứng thú cũng như hiệu quả hơn khi học.
Nếu bạn đang học năm hai
Tìm hiểu và học những kiến thức chuyên môn.
Năm hai là thời điểm bạn cũng hòm hòm các kiến thức đại cương rồi. Đây là thời điểm phù hợp để tìm hiểu và học những kiến thức chuyên môn. Thực ra, các kiến thức chuyên môn của Hệ thống khá đơn giản và dễ tiếp cận nên bạn đừng sợ, cứ học thôi. Ngoài các kiến thức được dạy, mình rất khuyến khích bạn tự tìm hiểu và học thêm. Với cá nhân mình, 90% những kiến thức chuyên môn nổi bật của mình đều là do tự học và nghiên cứu.
Một số kiến thức bạn có thể tìm hiểu khi bắt đầu:
- Lập trình cơ bản (nên học bằng Python)
- Kiến trúc web (frontend – backend – database)
- Database, SQL
- Lập trình ứng dụng
Nếu bạn đang học năm 3 hoặc chuẩn bị ra trường
Tìm hiểu thị trường việc làm và bổ sung kiến thức.
Thời điểm này cũng đã gần đến lúc bạn đi thực tập hoặc đi làm rồi. Do đó việc cần thiết là làm sao có cái nhìn tổng quan về thị trường, cũng như cụ thể vào vị trí mà bạn muốn nhắm tới. Khi tìm hiểu, bạn sẽ biết mình đang có cái gì và thiếu cái gì và tích cực bổ sung những gì mình chưa có.
Nghe thì dễ nhưng thật ra rất khó vì có nhiều loại kỹ năng, kiến thức bạn không thể bổ sung trong thời gian ngắn. Hiện tại có nhiều khoá học offline và online để bổ sung trực tiếp cho bạn những kiến thức liên quan đến công việc bạn chọn. Bạn có thể cân nhắc, tham khảo người khác để chọn cho mình một khoá học phù hợp. Tuy nhiên, tự học mới là nguồn kiến thức tốt nhất cho bạn, hãy chủ động.
Kết bài
Nhìn chung, việc Hệ thống thông tin quản lý có phải là một ngành hay hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chủ động của người học. Một số vài viết liên quan đến ngành Hệ thống khác ở mankaistep.com:
- Bạn có phù hợp với Hệ thống thông tin quản lý?
- Học Công nghệ trường Kinh tế?
- Sinh viên năm nhất MIS nên làm gì?
- Mình đi làm: Quá trình tìm việc
Nếu bạn cần liên hệ mình vì bất cứ lý do gì thì có thể liên hệ mình qua các kênh:
- Email: hoang@mankaistep.com
- LinkedIn: Hoang Nguyen Huy
- Facebook: Nguyễn Huy Hoàng
Cảm ơn bạn đã đọc bài.
5 Comments
Trần Hoàng · May 17, 2023 at 8:40 am
Hay quá bạn.
mankaistep · May 17, 2023 at 5:38 pm
Em cảm ơn anh ạ
Hi · May 17, 2023 at 5:39 pm
Kể mà đọc được bài này sớm hơn thì hay 😓
... · July 9, 2023 at 4:43 pm
Em chào anh ạ.
Trước hết em muốn cảm ơn vì bài viết rất hay và ý nghĩa ạ. Nhưng mà trong đợt xét tuyển vừa rồi thì em lỡ để ngành mis là nv1 nên giờ em đang đậu mis của neu và kinh tế quốc tế của ftu ấy ạ , vậy theo anh, giờ em nên theo ngành nào đây ạ.
Em cảm ơn nhiều ạ.
mankaistep · July 26, 2023 at 5:07 pm
Thankiu và sorry em vì reply hơi muộn. Cái này hơi khó để trả lời, nó còn tuỳ thuộc vào em mạnh yếu như nào với kỳ vọng về công việc tương lai ra sao nữa. Nếu em vẫn cần lời khuyên thì có thể inbox facebook anh nhé: https://www.facebook.com/mankaistep/